TIN TỨC THỊ TRƯỜNG
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần 13/2 đồng loạt đi lên khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 sắp được công bố vào sáng 14/2. Số liệu lạm phát sẽ có ảnh hưởng lớn tới quyết định lãi suất của Fed.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 377 điểm, tương đương 1,11%, và kết phiên ở 34.246 điểm. Đây là phiên tích cực nhất của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này từ đầu tháng 2 đến nay. Microsoft dẫn đầu đà tăng của Dow Jones khi đi lên 3,1%. Nike và Salesforce cùng thêm 2,4%, Intel tăng 2,7%.
S&P 500 tăng 1,14% lên 4.137 điểm, Nasdaq Composite thêm 1,48% lên 11.892 điểm.
Vào sáng 14/2 (theo giờ Mỹ), nhà đầu tư sẽ đón nhận báo cáo CPI tháng 1 và có thêm thông tin về tình hình lạm phát. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo CPI tăng 0,4% so với tháng 12 và 6,2% so với tháng 1/2022.
Nếu không kể giá năng lượng và lương thực, chỉ số CPI lõi của tháng 1 được dự báo tăng 0,3% so với tháng liền trước và 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo CNBC, nhà đầu tư có vẻ đang tin tưởng rằng số liệu CPI sẽ cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, giúp cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sớm dừng chiến dịch nâng lãi suất.
Động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán này có thể sẽ biến mất vào mùa hè, nguyên nhân là các đợt nâng lãi suất của Fed đến lúc đó sẽ phát huy mạnh mẽ tác động thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu.
Nếu số liệu lạm phát công bố ngày 14/2 cao hơn dự kiến, nhà đầu tư sẽ lo ngại Fed cần nâng lãi suất lên cao hơn, gây áp lực giảm đối với giá cổ phiếu.
Đầu tháng 2 này, Chủ tịch Fed Jerome Powell công nhận tình trạng thiểu phát đang diễn ra tại Mỹ, tức là lạm phát đang giảm xuống. Tuy nhiên, ông Powell cũng cảnh báo Fed vẫn sẽ cần nâng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2%.
Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 13/2 cho biết, nhờ những tín hiệu kinh tế tích cực giúp Eurozone vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na), tăng trưởng của 20 nước thành viên Eurozone dự báo sẽ đạt 0,9% thay vì mức 0,3% trong năm 2023.
Lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm hơn so với thời điểm xung đột bắt đầu nổ ra, đẩy giá xăng dầu và khí đốt “phi mã” hồi năm ngoái. EC cho biết: “Việc tiếp tục đa dạng hóa các nguồn cung và mức tiêu thụ giảm mạnh đã khiến dự trữ khí đốt cao hơn mức trung bình theo mùa của những năm trước và giá khí đốt đã giảm xuống dưới mức trước xung đột”. Bên cạnh đó, thị trường lao động EU tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp chưa từng có”.
Lạm phát được dự báo sẽ tăng 5,6% trong năm nay. Theo EC, có vẻ như “đỉnh lạm phát đã đi qua sau khi chạm mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2023.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trên khắp thế giới đã tung ra hàng loạt đợt tăng lãi suất vào năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, cơ quan hành pháp của EU cảnh báo rằng: “Những cơn gió ngược về kinh tế vẫn còn mạnh”. Người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với chi phí năng lượng cao và lạm phát cơ bản (lạm phát toàn phần không bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa chế biến) vẫn tăng trong tháng 1/2023. Theo báo cáo của EC, khi áp lực lạm phát vẫn còn, việc thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh và trở ngại cho đầu tư.
NHẬN ĐỊNH GIÁ VÀNG
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay tiếp đà giảm với giá vàng giao ngay giảm 11 USD xuống còn 1.853,3 USD/ ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.863,5 USD/ ounce, giảm 11 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Kim loại quý thế giới đã chạm mức thấp nhất trong 5 tuần. Biểu đồ ngắn hạn cho kim loại màu vàng gần đây đã xấu đi và đang gây ra một số áp lực bán kỹ thuật.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng và báo cáo chỉ số giá sản xuất cho tháng Giêng. CPI được dự báo tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế cho rằng, ngay cả khi CPI giảm so với các báo cáo trước đó nhưng nó vẫn còn “nóng” và những dữ liệu sắp công bố tới đây có thể giữ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong chế độ thắt chặt trong vài tháng tới. Đây có thể là một phần lý do tại sao những người đầu cơ giá lên trên thị trường vàng hầu hết đứng ngoài cuộc.
Dưới góc nhìn Liên thị trường USD và lợi suất trái phiếu phục hồi là tín hiệu cho thấy giá Vàng hạ nhiệt. Sự tương quan này luôn đúng trong môi trường lạm phát cao, do đó khi chúng ta thấy được xu hướng phục hồi trở lại của USD và lợi suất trái phiếu thì giá Vàng được cho là vẫn sẽ có nhiều dấu hiệu giảm điều chỉnh
Về yếu tố phân tích kỹ thuật giá Vàng hiện tại đã xác nhận phá vỡ trendline của xu hướng tăng, dấu hiệu rõ ràng cho nhịp điều chỉnh giảm về lại ngưỡng 1825 hoặc có thể phá vỡ xuống mức thấp hơn ở dưới 1800/oz
Hôm nay nhiều khả năng giá Vàng sẽ thận trọng chờ đợi số liệu lạm phát